8 ĐIỀU KHIẾN NGƯỜI HÀN QUỐC NGẠC NHIÊN VỀ VIỆT NAM
Hàn Quốc được đánh giá là nước có nhiều nét văn hoá tương đồng với Việt Nam. Nhưng bên cạnh những điểm tương đồng cũng có những nét khác biệt rất thú vị, các bạn cùng xem đó là những gì nhé!
1. Cầm dao nhìn nguy hiểm thế!
Người Hàn Quốc gọt trái cây đều hướng lưỡi dao về phía mặt mình. Khi thấy người Việt Nam cầm dao gọt hoa quả, phản ứng của họ bao giờ cũng là: Ôi, sao lại gọt thế? Nguy hiểm lắm!
2. Tại sao lại chấm hoa quả với muối, mắm?
Người Hàn Quốc chỉ ăn hoa quả không thôi nên họ rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta chấm hoa quả với muối tiêu hay thậm chí là nước mắm.
3. Cà chua cũng nấu canh được sao?
Có một điều thú vị là người Hàn Quốc xếp cà chua vào dạng hoa quả, để ăn sống như ăn salad chứ không dùng để nấu thức ăn như Việt Nam. Vì vậy, khi nhìn thấy người Việt dùng cà chua nấu canh là ai cũng “mắt tròn mắt dẹt”. Có người hợp miệng còn khen “canh cà chua trứng ngon quá, sao bây giờ mới biết nhỉ?”.
4. Trứng vịt lộn – eo ôi!
Trứng vịt lộn hay nhiều nơi gọi là hột vịt lộn là món ăn bình dân, giàu chất dinh dưỡng và rất phổ biến trong ẩm thực của người Việt. Thơm ngon, hấp dẫn là vậy, thế nhưng đối với các du khách nước ngoài thì trứng vịt lộn của người Việt lại đứng đầu trong danh sách top 10 những món ăn kinh dị nhất hành tinh.
Một người Hàn Quốc sau khi ăn trứng vịt lộn chia sẻ rằng: Cảm giác khi bóc một quả trứng vịt lộn sau đó hình hài một con vịt non đã được luộc chín đập vào mắt mình…, quả thật tôi không thể nào ăn nổi.
5. Tại sao lại cúng bánh Chocopie?
Loại bánh có nhân là marshmallow và được phủ socola “thần thánh” của Orion được giới thiệu tới người tiêu dùng Hàn Quốc lần đầu năm 1974. Sau đó, sự phổ biến của Choco Pie ngày càng tăng trên toàn thế giới và nó đã được xuất khẩu sang Việt Nam kể từ năm 1995.
Hiện Orion có hai nhà máy sản xuất tại Việt Nam, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Choco Pie khá phổ biến với nhiều thế hệ người Việt và thậm chí loại đồ ăn nhẹ này còn được sử dụng để phục vụ nhu cầu lễ bái của người dân.
6. Ngã tư không có làn lối, sao ai cũng đi dễ dàng vậy trời?
Người nước ngoài lần đầu tới Việt Nam chắc sẽ có phần hoảng hốt vì tiếng còi xe và những dòng xe xuôi ngược. Nhìn rõ ràng là một mớ…hỗn độn nhưng sao ai cũng điềm nhiên di chuyển. Đây có phải là một thứ trật tự ngầm của người bản địa?
7. Cần dũng khí để sang đường
Người nước ngoài nói chung, người Hàn Quốc nói riêng khi du lịch Việt Nam đã bảo nhau: Nếu bạn có có kế hoạch tới Việt Nam, hãy chuẩn bị để quên đi mọi thứ được dạy về việc sang đường, như phải đợi các phương tiện dừng lại, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và tín hiệu đèn giao thông. Ở Việt Nam, mọi người sang đường bằng cách đi thẳng về phía trước và tự tạo con đường riêng cho mình trong khi các dòng xe vẫn đang chạy.
Phần lớn các du khách nước ngoài khi sang đường ở Việt Nam đều chia sẻ nó nghe nói có vẻ nguy hiểm, nhưng thực sự rất thú vị. Đèn tín hiệu và vạch dành cho người đi bộ đôi khi không cần thiết, nhưng người lái xe rất hiểu ý định của bạn. Vượt qua đám đông không phải là điều tồi tệ. Điều kỳ diệu là chẳng ai đâm vào bạn đâu.
8. Vòi nước cạnh bồn cầu để làm gì vậy?
Không chỉ người Hàn Quốc mà khách du lịch phương Tây khi đến Việt Nam đều rất tò mò về công dụng của chiếc vòi nước cạnh bồn cầu. Có anh chàng Tây như trong hình còn lấy vòi nước này để gội đầu nữa chứ!
Lý do thì tất nhiên là bởi văn hoá dùng bồn cầu ở mỗi nơi khác nhau rồi. Ở Hàn Quốc cũng có bồn cầu xịt bàn toạ, nhưng là dạng xịt từ dưới xịt lên. Khi được giải thích về công dụng của vòi xịt này, có người đặt ra câu hỏi: Nhưng vòi xịt này mạnh lắm, nhỡ thủng…thì sao?